
WELCOME TO ENOUVO SPACE
Read weekly articles from our community.

[RECAP] #EnouvoTGIS: Tích hợp bảo mật vào quy trình DevOps: Thách thức và giải pháp | DevSecOps
Trước những mối đe dọa an ninh thông tin đang diễn ra ngày càng nhiều, việc bảo mật đã trở thành mối quan tâm hàng đầu cho các tổ chức sản xuất. Do đó, việc áp dụng mô hình DevSecOps vào quy trình phát triển đã trở thành xu hướng tương lai của an ninh bảo mật phần mềm. Vậy DevSecOps là gì và nó mang lại những lợi ích gì khi được áp dụng? Cùng xem lại sự kiện #EnouvoTGIS: “Tích hợp bảo mật vào quy trình DevOps: Thách thức và giải pháp” diễn ra vào ngày 08/04 vừa qua nhé!
Thông qua những chia sẻ thực tế từ Diễn giả Trần Văn Lộc – Kỹ sư, Chuyên gia bảo mật An ninh mạng tại Công ty Evvo Labs Pte Ltd và Host Anh Phạm Sĩ Nguyên – CEO & Co-Founder tại Enouvo IT Solutions, người tham dự đã được tìm hiểu về mô hình DevSecOps và những lợi ích thực tiễn mà quy trình này mang lại. Bên cạnh đó, những thách thức và giải pháp khi áp dụng DevSecOps vào quy trình phát triển ứng dụng của các Developers cũng được khai thác và chia sẻ.
1. DevSecOps là gì?
DevSecOps là viết tắt của Development, Security và Operation. Đó là quy trình tự động hóa việc tích hợp bảo mật trong mọi giai đoạn của vòng đời phát triển ứng dụng, từ thiết kế nền tảng, tích hợp, thử nghiệm cho đến triển khai và phân phối phần mềm.
DevSecOps tích hợp bảo mật ứng dụng và cơ sở hạ tầng một cách liền mạch vào các quy trình và mô hình Agile, DevOps. Nó giải quyết nhanh gọn các vấn đề bảo mật khi vừa mới xuất hiện và tiết kiệm thời gian cũng như nguồn lực để khắc phục.
DevSecOps hướng đến tư duy “tất cả mọi thành phần đều có trách nhiệm bảo mật”. Điều đó có nghĩa là việc bảo mật trở thành trách nhiệm chung của các nhóm phát triển, bảo mật và vận hành thay vì chỉ quy về cho một nhóm bảo mật riêng biệt.
Có thể nói, DevSecOps chính là thực tiễn và là sự chuyển đổi văn hóa đề cao việc bảo mật ứng dụng trong quy trình phát triển phần mềm. Điều mà dường như ít ai nghĩ đến khi áp dụng mô hình DevOps.
Bước tiến của DevSecOps so với DevOps
DevOps tập trung vào việc đưa sản phẩm ra mắt thị trường sớm nhất có thể. Do đó, kiểm thử bảo mật không được chú trọng quá nhiều mà thường diễn ra ở khâu cuối cùng của phát triển ứng dụng. Việc kiểm thử sẽ được giao cho một đội ngũ riêng biệt để thực thi.
Ngược lại, DevSecOps tự động đưa việc kiểm thử bảo mật vào trong quá trình phát triển ứng dụng. Ở đó, các đội ngũ bảo mật sẽ cùng hợp tác với nhà phát triển để bảo vệ người dùng khỏi những lỗ hổng phần mềm.
2. Bảo mật phần mềm và lợi ích của DevSecOps
Bảo mật phần mềm, hay bảo mật ứng dụng là kỷ luật của các quy trình, công cụ và thực tiễn nhằm bảo vệ ứng dụng khỏi các mối đe dọa trong toàn bộ vòng đời.
2.1. Nhận định về bảo mật phần mềm trong thực tiễn
Từ những hiểu biết thực tế qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo mật phần mềm cũng như công nghệ thông tin, diễn giả Trần Văn Lộc và host Phạm Sĩ Nguyên đã chia sẻ một số nhận định khách quan về vấn đề bảo mật:
- Sửa mất nhiều hơn xây: Thực tế cho thấy, thời gian để tìm lỗi và sửa lỗi bảo mật còn lâu và phức tạp hơn cả thời gian dành cho việc xây dựng lại từ đầu.
- Thời gian cập nhật phần mềm là lúc dễ xảy ra nhiều lỗ hổng nhất: Khi phần mềm cập nhật phiên bản mới cũng là lúc các hình thức bảo mật cũ hết hiệu lực. Nếu không được kiểm tra lỗ hổng kịp thời thì phiên bản mới sẽ dễ dàng bị các tác nhân xấu lợi dụng tấn công.
- Bảo mật của phần mềm chỉ mang tính tương đối: Nếu sản phẩm đang sử dụng tốt không có nghĩa là nó an toàn tuyệt đối, mà có thể là nó chưa bị tấn công hoặc chưa nằm trong đối tượng bị tấn công.
- Việc tích hợp bảo mật không quá khó nhưng không hề đơn giản: Nếu vận dụng bảo mật không đúng cách sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian. Ngược lại, nếu tích hợp bảo mật đúng quy trình sẽ giúp nhà phát triển nâng cao hiệu suất và đẩy nhanh tốc độ phát triển phần mềm.
- Hiệu suất có thể định lượng, nhưng bảo mật thì không dễ: Không ai có thể đảm bảo một phương pháp bảo mật có thể bảo vệ phần mềm một cách triệt để. Lỗ hổng có thể xuất hiện bất ngờ và khó phòng bị ở bất kỳ giai đoạn nào của phát triển ứng dụng.
- DevSecOps gắn liền với văn hóa doanh nghiệp: DevSecOps giúp chuyển đổi những văn hóa liên quan đến đội ngũ xây dựng phần mềm. Với mô hình này, nhà phát triển phần mềm và đội ngũ vận hành sẽ hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia bảo mật trong suốt quy trình phát triển.
2.2. Những thách thức cụ thể trong quy trình bảo mật phần mềm
Cùng với những nhu cầu ngày càng cao về vấn đề bảo mật an ninh thông tin, việc bảo mật ứng dụng cũng gặp những thách thức trong các quy trình sau:
Test Application Proliferation (Kiểm thử ứng dụng):
- Kiểm thử thủ công: Sau mỗi lần release, người kiểm thử vẫn phải tái thực hiện một tập hợp các test case đã chạy dẫn đến sự lãng phí công sức và thời gian.
- Outsourced Pen Tests (Thuê các nhóm chuyên gia ngoài kiểm tra xâm nhập): Mặc dù thuê kiểm thử phần mềm bên ngoài sẽ giúp tiết kiệm thời gian quản lý, nhưng hình thức này vẫn tồn tại nguy cơ rò rỉ bảo mật và tiêu tốn nhiều chi phí.
- SaaS Scans: Quá trình kiểm thử diễn ra sau khi đã triển khai phần mềm, điều này có thể khiến việc phát hiện lỗ hổng bảo mật bị bỏ sót nếu phần mềm tự động cập nhật liên tục.
- Desktop Tools: Các công cụ Desktop không thân thiện với CI/CD và không dễ mở rộng.
- OT Security Tools: Chưa được hoàn thiện và độ tin cậy chưa cao.
Code Size & Complexity (Kích thước và độ phức tạp của mã)
- Kích thước & độ phức tạp của codebases tăng dần theo thời gian
- Ứng dụng thay đổi nhưng không được testing liên tục
- Việc kiểm tra bảo mật thường bị đặt sau cùng
Scale of Testing (Mở rộng kiểm thử)
- Có quá nhiều ứng dụng để có thể kiểm thử tất cả.
- Mã ứng dụng thay đổi hàng ngày, vì vậy chúng không được kiểm tra liên tục.
- Kiểm thử function được tự động hóa, nhưng kiểm tra bảo mật không được tự động hóa nếu được triển khai.
- Cách tiếp cận điển hình chỉ nhắm mục tiêu đến một tập hợp con các ứng dụng để kiểm tra bảo mật thủ công.
- Thiếu sự hợp tác giữa nhóm IT và nhóm kỹ sư hệ thống OT
2.3. Giải pháp của DevSecOps
DevSecOps mang đến giải pháp tích hợp kiểm thử bảo mật trong mọi giai đoạn của quy trình phát triển ứng dụng. Từ đó giúp nhà phát triển đạt được những lợi ích như sau:
- Triển khai phần mềm nhanh chóng: Bằng cách tự động hóa quy trình kiểm thử bảo mật và hạn chế lỗi do con người, DevSecOps giúp giảm tắc nghẽn trong khâu đánh giá bảo mật, tăng tốc độ vá lỗ hổng và đẩy nhanh tiến độ triển khai phần mềm.
- Giảm tỷ lệ thất bại do thay đổi đến 5 lần: Chiến lược DevSecOps có thể giúp tăng lợi thế cạnh tranh trong khi vẫn tuân thủ và thích ứng với những thay đổi cần thiết một cách linh hoạt.
- Phát hiện các lỗ hổng sớm hơn: Nhờ thực hiện bảo mật từng bước trong quá trình phát triển, các biện pháp bảo mật của DevSecOps đảm bảo khả năng phát hiện lỗ hổng mạnh và nhanh hơn.
- Tăng cường sự hợp tác giữa các nhóm: Nhờ DevSecOps, các nhóm sẽ chủ động hơn với nhiệm vụ của mình, có thể đào tạo chéo và rút ngắn thời gian bàn giao nhiệm vụ
Nhìn chung, DevSecOps là xu hướng tương lai của an ninh bảo mật phần mềm. Với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng công nghệ hiện nay, DevSecOps là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe của phần mềm mọi lúc và hạn chế các tổn thất do bị tấn công an ninh một cách tối đa.
Nhằm kết nối cộng đồng người trẻ tài năng ngày một đông ở Đà Nẵng và đáp ứng thêm nhu cầu tham gia các buổi chia sẻ của các bạn, chuỗi sự kiện #EnouvoTGIS sẽ được tổ chức với những chủ đề HOT nhất hiện nay xoay quanh chuyện ngành, chuyện nghề. Nếu bạn quan tâm và muốn tham dự những sự kiện tiếp theo trong chuỗi #EnouvoTGIS, đừng quên follow fanpage Enouvo Space để cập nhật thông tin sớm nhất nhé!